Kinh nghiệm du lịch Ngọc Chiến Mường La

Kinh nghiệm du lịch Ngọc Chiến Mường La (Cập nhật 04/2024)

Cùng Phượt – Ngọc Chiến là một xã của huyện Mường La, Sơn La. Nơi đây vốn nổi tiếng trong cộng đồng du lịch bởi khung cảnh đẹp như tranh, nép mình trong những dãy núi cao hùng vĩ. Ngoài việc được thiên nhiên ưu đãi cho những cảnh quan tuyệt vời, du lịch Ngọc Chiến còn hấp dẫn du khách bởi những mó nước nóng hoàn toàn tự nhiên tại các bản Lướt, bản Đớt và bản Khau Vai. Để đến với Ngọc Chiến, các bạn có thể đi từ hướng Mù Cang Chải (chân đèo Khau Phạ) hoặc theo đường TL 106 từ Tp Sơn La vào Mường La rồi đến với vùng đất Ngọc Chiến.

Buổi sớm ở Ngọc Chiến, Mường La (Ảnh – chipheosonla)

©Bản quyền hình ảnh: Trong bài viết có sử dụng một số hình ảnh được tìm kiếm thông qua công cụ Google Image của các tác giả chipheosonla, Doug Walton, Micheal Ruan, Tạ Đức Trọng, _donsweet_, Le Hong Ha, Anh Đức, Duong Minh Hai, Trang Hà nhằm minh họa rõ hơn cho nội dung bài viết. Bản quyền những hình ảnh này thuộc về tác giả. Chính sách của Cùng Phượt về bản quyền hình ảnh các bạn có thể theo dõi tại đây.

Giới thiệu chung về Ngọc Chiến

Ngọc Chiến là một xã của Mường La, nơi các hoạt động du lịch cộng đồng khá phát triển (Ảnh – Doug Walton)

Nằm ở độ cao trên 1.600m so với mặt nước biển, cách nhà máy thủy điện Sơn La khoảng 40km và cách thành phố Sơn La gần 80km theo đường TL106, xã Ngọc Chiến, huyện Mường La là nơi tập trung sinh sống của ba dân tộc Thái, Mông, La Ha; nơi đây còn lưu giữ nhiều nét văn hóa đặc sắc, đó là những di sản quý giá được kết tinh qua bao thế hệ. Ai đến Ngọc Chiến cũng đều ngỡ ngàng trước văn hóa kiến trúc của những ngôi nhà người Thái được làm hoàn toàn bằng gỗ pơ mu với kiểu kiến trúc đầu đón, đầu xà, kèo cột tinh tế. Mỗi bản nơi đây có khoảng 70 đến 100 hộ dân đều có khoảng trống và có lối đi ô bàn cờ, khác biệt so với các bản người Thái ở nơi khác. Cùng với kiến trúc nhà sàn, các nghề truyền thống như: Xe tơ, dệt vải, đan nát (nghề thủ công mây tre đan của người Thái nơi đây rất nổi tiếng); Thêu, dệt thổ cẩm của người Mông; lễ hội gội đầu của người Thái, hội Gầu tào của người Mông, hội dâng hoa măng của người La Ha cùng trang phục, làn điệu dân ca, dân vũ đặc trưng của các dân tộc, đặc biệt là phương pháp chữa bệnh bằng các bài thuốc dân tộc đã tạo nên bản sắc văn hóa độc đáo cho Ngọc Chiến.

Đến với Ngọc chiến, du khách có thể vào bất cứ gia đình nào, đều được gia chủ đón tiếp như khách quý, cùng được trải nghiệm các công việc hàng ngày và thưởng thức những món ăn đặc sản địa phương như: Xôi nếp tan (vừa thơm lại dẻo), cơm lam, thịt nướng, cá nướng,…Đặc biệt hơn nữa, tại bản Lướt hiện đã có các phòng tắm nước khoáng nóng bằng gỗ pơ mu. Ngoài ra, khách có thể tắm tự do tại mó nước ở bản Khau Vai, suối Chiến ở bản Mường Chiến và tìm hiểu các nghề truyền thống của bà con,…

Với những tiềm năng du lịch thiên nhiên, văn hóa phong phú của Ngọc Chiến hiện nay đang được gìn giữ và bảo tồn, nơi đây là điểm du lịch sinh thái cộng đồng kết hợp với nghỉ dưỡng lý tưởng đối với khách du lịch. Chắc chắn rằng nếu có sự đầu tư đúng mức và bài bản, Ngọc Chiến hoàn toàn có thể trở thành điểm điến hấp dẫn của Sơn La nói riêng và khu Tây Bắc nói chung.

Nên du lịch Ngọc Chiến vào thời gian nào?

Ngọc Chiến cũng có một mùa lúa chín vàng đẹp đến mê người (Ảnh – Micheal Ruan)

Về cơ bản các bạn có thể sắp xếp được thời gian vào bất cứ lúc nào đều có thể đến Ngọc Chiến, chỉ duy nhất trừ mùa mưa của miền Bắc thì hơi khó khăn để đến Ngọc Chiến nếu đi từ phía Mù Cang Chải sang (do đường trơn trượt, lày lội).

  • Mùa lúa chín ở Ngọc Chiến cũng vào khoảng tháng 9-10, gần như trùng với thời điểm lúa chín ở Mù Cang Chải. Từ Mù Cang Chải đi sang Ngọc Chiến cũng khá tiện đường nên các bạn có thể kết hợp 2 địa điểm này trong cùng một hành trình.
  • Với lợi thế suối nước nóng nên có thể đến Ngọc Chiến vào thời điểm khoảng cuối năm lúc tiết trời se lạnh để trải nghiệm cảm giác thật vô cùng sảng khoái sau khi tắm xong.

Hướng dẫn đi tới Ngọc Chiến

Theo hướng Mù Cang Chải

Từ Hà Nội đi theo hướng lên Mù Cang Chải, đến chân đèo Khau Phạ phía bên kia sẽ thấy một biển chỉ đi Nậm Khắt. Đi khoảng 11km sẽ tới Nậm Khắt, rẽ trái là đường sang Ngọc Chiến – Mường La. Đường vào Nậm Khắt đã trải bê tông gần hết, hết đường bê tông sẽ là đường rẽ để đi Mường La. Tiếp tục đi cho đến khi thấy một đoạn cua như dưới đây, rẽ theo hướng mũi tên chỉ để đi sang Ngọc Chiến.

Cập nhật tháng 4/2024: Đường vào Nậm Khắt rồi sang Ngọc Chiến hiện giờ đã thay đổi khá nhiều, đường được nâng cấp trải nhựa, ô tô chạy ngon lành. Những hình ảnh này có thể không còn chính xác. Các bạn đi từ chân đèo Khau Phạ cứ bám theo Google Maps hoặc hỏi người dân địa phương để tìm đường sang Ngọc Chiến dễ nhất.

Đường vào Nậm Khắt (Ảnh – cungphuot.info)

Từ Nậm Khắt đi vào, đến ngã 3 này thì rẽ phải để đi Ngọc Chiến (Ảnh – cungphuot.info)

Theo hướng Sơn La – Mường La

Từ Hà Nội đi lên Sơn La rồi đi vào theo hướng Mường La, từ Mường La chạy dọc theo đường 106 cho tới khi thấy biển rẽ vào Ngọc Chiến (khoảng 25km)

Lưu trú ở Ngọc Chiến

Các dịch vụ trọn gói, tất cả trong một được cung cấp cho du khách đến Ngọc Chiến (Ảnh – Tạ Đức Trọng‎)

Là một địa điểm du lịch cộng đồng nổi tiếng, đương nhiên nếu muốn ở lại qua đêm ở Ngọc Chiến các bạn chỉ có thể lựa chọn các homestay của người dân ở đây. Nếu đi ít người và quá lỡ đường, các bạn có thể xin ngủ nhờ ở bất cứ nhà dân nào mà các bạn cảm thấy rộng rãi, đấy là trong trường hợp không tìm thấy các nhà dân có làm dịch vụ thôi nhé. Trong trung tâm xã, có khá nhiều nhà dân cung cấp cho các bạn dịch vụ từ homestay, tắm nước nóng và phục vụ cả ăn uống.

Du lịch Ngọc Chiến chơi gì?

Tắm suối nóng

Người dân ở Ngọc Chiến hầu như tắm suối nước nóng hàng ngày nên có làn da rất đẹp (Ảnh – _donsweet_)

Đến Ngọc Chiến thì không thể bỏ lỡ vụ này, nguồn suối nước nóng ở Ngọc Chiến bao đời nay vẫn hàng ngày phục vụ bà con dân bản đến tắm. Với nhiệt độ vừa phải cùng các nguồn khoáng chất tự nhiên có sẵn, sau khi tắm xong cơ thể trở nên khoan khoái, nhẹ nhàng, bao mệt mỏi của chặng đường dài đến với Ngọc Chiến bỗng chốc biến mất.

Thưởng thức món ngon ở Ngọc Chiến

Ngoài tắm suối nước nóng, đến với Ngọc Chiến các bạn còn có cơ hội thưởng thức ẩm thực của người Thái, một trong những nền ẩm thực lâu đời và đặc sắc nhất của vùng Tây Bắc. Mâm cỗ người dân Ngọc Chiến chuẩn bị cho khách thường có một chai rượu thơm nồng, gà nướng, cá nướng, các loại rau và sản vật của địa phương, đặc biệt không thể thiếu món xôi nếp tan dẻo thơm được nấu từ những hạt gạo  từ cánh đồng Ngọc Chiến.

Nhà máy Thủy điện Sơn La

Nhà máy thủy điện Sơn La (Ảnh – Le Hong Ha)

Nhà máy Thủy điện Sơn La là nhà máy thủy điện nằm tại tại xã Ít Ong, huyện Mường La, tỉnh Sơn La, Việt Nam. Nhà máy được khởi công xây dựng ngày 2 tháng 12 năm 2005,. Sau 7 năm xây dựng, Thủy điện Sơn La được khánh thành vào ngày 23 tháng 12 năm 2012, sớm hơn kế hoạch 3 năm, trở thành nhà máy thủy điện lớn nhất Việt Nam và cả khu vực Đông Nam Á.

Hang Co Noong

Cửa chính hang nhìn xuống hạ lưu sông Đà (Ảnh – Anh Đức)

Đây là một điểm di tích khảo cổ thuộc thị trấn Ít Ong. Để lên được hang này, từ đồn công an Thủy điện Sơn La các bạn đi ngược thẳng lên núi sẽ đến được điểm cách cửa hang phía Tây khoảng 250m. Vào trong hang, các bạn sẽ ngỡ ngàng trước cảnh sắc diệu kỳ của tạo hóa, thế giới của vô số nhũ đá với những hình thù kỳ ảo. Trong số này có một nhũ đá mang hình đôi trai, gái quấn quýt bên nhau, được gắn với truyền thuyết về mối tình thủy chung của một chàng trai nghèo với cô con gái nhà quan giàu có. Lòng hang có hình vòng cung, chỗ rộng hơn 50m, có chỗ vòm hang cao tới 20m, các góc tối trần hang là nơi trú ngụ của những đàn dơi. Thạch nhũ trần hang cũng đủ kiểu hình dáng, kích thước, những khối thạch nhũ buông rủ, óng ánh tựa những đám mây ngũ sắc, có khối tựa những bức phù điêu tùy theo tưởng tượng của người thưởng ngoạn.

Cửa hang chính quay về hướng Đông, rộng khoảng 15m, cao hơn 7m, ở giữa có hòn đá to được một cây cổ thụ ôm lấy tựa cột chống cửa hang, chia hang thành 2 ngách. Đứng ở cửa hang nhìn xuống sẽ quan sát được cả công trình thủy điện Sơn La, thị trấn Ít Ong, rừng cao su Phiêng Tìn, cầu cứng Mường La và toàn bộ vùng hạ lưu sông Đà… khung cảnh kỳ vĩ và nên thơ.

Bản Cát Lình

Sóng lúa Cát Lình (Ảnh – Anh Đức)

Cách trung tâm huyện chưa đầy 20 km, Cát Lình là một bản của đồng bào Mông nằm bên sườn đỉnh Pu Tha Kềnh (Núi Múa Khèn) cao hơn 2.500m so với mực nước biển. Mùa lúa chín này, nơi đây nhìn từ xa tựa như bức tranh đa sắc màu, tầng tầng lớp lớp trải dài từ sườn núi này nối sang núi khác, kéo xuống tận thung sâu. Cát Lình – là địa danh phiên âm ra tiếng phổ thông, chứ người dân nơi đây vẫn gọi vùng đất này là Co Linh (nghĩa là khu rừng nhiều khỉ), cũng bởi vùng đất này còn khá hoang sơ, nơi trú ngụ của nhiều loài muông thú, trong đó có loài khỉ. Rừng nguyên sinh còn nhiều, suối nước dồi dào quanh năm, đồng bào dân tộc Mông các vùng Chiềng Ân, Ngọc Chiến đã về đây khai khẩn, lập bản, bám trụ từ những năm 70 của thế kỷ trước. Lên Cát Lình chỉ có một con đường liên bản gập ghềnh sỏi đá, nối trung tâm xã Chiềng Muôn với các bản Hua Đán – Nậm Kìm – Cát Lình.

Lễ cúng cơm mới

Thi làm cốm tại lễ hội mừng cơm mới (Ảnh – Duong Minh Hai)

Đây là nghi thức đầu tiên trong Lễ hội mừng cơm mới hằng năm tại xã Ngọc Chiến với ý nguyện bày tỏ lòng biết ơn với tổ tiên, trời đất phù hộ, che chở cho bản làng, cho mùa màng bội thu đem lại cuộc sống ấm no.

Ngoài những lễ vật như gà, cá, các loại hoa quả, trên mâm Lễ dâng lên tổ tiên không thể thiếu cơm mới, cơm cũ, đĩa cốm, “khẩu háng” đặc trưng của đồng bào Thái Trắng (cơm được chế biến từ thóc đồ chín, phơi khô, xát thành gạo rồi lại đồ lên). Thầy cúng thực hiện các nghi lễ với lòng thành kính bày tỏ lòng biết ơn đối với các vị thần linh thổ địa, các vị thần tiên phù hộ, che chở cho bản làng, xua đuổi tà ma, thú dữ và bệnh tật; cầu mong sang năm bà con làng bản lại có một mùa màng bội thu. Tại Lễ cúng, sẽ có đại diện già làng, trưởng bản, người có uy tín dự lễ.

Lễ cúng cơm mới trước đây chỉ tổ chức tại các gia đình, nhưng vài năm trở lại đây, Lễ hội được tổ chức với quy mô cấp xã, huyện nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của huyện Mường La. Đặc biệt là vùng đất Ngọc Chiến có tới 650 ha lúa hai vụ, với các giống lúa nếp tan là đặc sản có độ dẻo thơm đặc trưng; cùng với đó là vẻ đẹp hoang sơ, nhiều nét văn hóa độc đáo của đồng bào vùng cao, những bản làng trù phú và mỏ suối nước khoáng để phát triển điểm du lịch.

Lịch trình du lịch Ngọc Chiến Mường La

Nên kết hợp đi Ngọc Chiến với Mù Cang Chải hoặc Mộc Châu (Ảnh – Trang Hà)

Hà Nội – Ngọc Chiến – Mường La – Sơn La – Mộc Châu

Ngày 1 : Hà Nội – Nghĩa Lộ – Đèo Khau Phạ – Nậm Khắt – Ngọc Chiến

– 7h00 : Xuất phát từ Hà Nội đi theo hướng đường 32 lên cầu Trung Hà – Thanh Sơn – Văn Chấn – Nghĩa Lộ. 12h00 Nghỉ ăn trưa ở Tú Lệ
– Vượt qua đèo Khau Phạ ở ngay gần chân đèo có biển chỉ đi Nậm Khắt. Từ Nậm Khắt hỏi người dân đường đi Ngọc Chiến (Mường La). Tối ngủ ở Ngọc Chiến, ăn cơm nếp người Thái, tắm suối nóng.

Ngày 2 : Ngọc Chiến – Mường La – Sơn La – Mộc Châu

– 7h30 : Khởi hành từ Ngọc Chiến về Mường La, vào thăm nhà máy Thủy điện Sơn La. Từ Mường La tiếp tục di chuyển về Tp Sơn La. Thăm quan di tích Nhà tù Sơn La.
– Nghỉ ăn trưa tại Tp Sơn La
– 13h00 : Đi từ Tp Sơn La về Mộc Châu, Khám phá Đồi chè hình trái tim, Rừng thông Bản Áng …

Ngày 3 : Mộc Châu – Hà Nội

– 7h00 : Ăn sáng tại Mộc Châu.
– 8h00 : Khám phá bản Thông Cuông, Pa Phách
– 12h00 : Khởi hành về Hà Nội, trên đường về dừng ăn ở một số quán ăn nổi tiếng trên Quốc lộ 6

Tìm trên Google:

  • kinh nghiệm du lịch Ngọc Chiến 2024
  • du lịch Ngọc Chiến tháng 4
  • tháng 4 Ngọc Chiến có gì đẹp
  • review Ngọc Chiến
  • hướng dẫn đi Ngọc Chiến tự túc
  • ăn gì ở Ngọc Chiến
  • phượt Ngọc Chiến bằng xe máy
  • Ngọc Chiến ở đâu
  • đường đi tới Ngọc Chiến
  • chơi gì ở Ngọc Chiến
  • đi Ngọc Chiến mùa nào đẹp
  • địa điểm chụp ảnh đẹp Ngọc Chiến
  • homestay giá rẻ Ngọc Chiến

Bạn thấy bài viết này thế nào?

Hãy để lại đánh giá của bạn nhé

Đã có 39 bình chọn và điểm trung bình là 4.7

Chưa có đánh giá nào

Bạn đang xem bài viết về địa danh ở Sơn La

SƠN LA

Vị trí Sơn La trên bản đồ Việt Nam

Nằm cách Hà Nội 320 km trên trục Quốc lộ 6 Hà Nội – Sơn La – Điện Biên, Sơn La là một tỉnh nằm sâu trong nội địa. Tỉnh này có 3 cửa khẩu với Lào là Chiềng Khương và cửa khẩu quốc tế Pa Háng,cửa khẩu quốc gia Nà Cài. Sơn La có độ cao trung bình 600 – 700m so với mặt biển.

Bạn có biết: Sơn La trước năm 1479 là lãnh thổ của vương quốc Bồn Man (gồm Tương Dương, Kỳ Sơn của Nghệ An, Quan Hoa, Quan Sơn, Mường Lát của Thanh Hóa, tỉnh Hủa Phan của Lào và phần lớn Sơn La

  • Diện tích: 14.174,4 km²
  • Dân số: 1.195.107 người
  • Phân chia hành chính: 1 thành phố, 11 huyện
  • Mã điện thoại: 212
  • Biển số xe: 26