Kinh nghiệm du lịch Thiên Cầm

Kinh nghiệm du lịch Thiên Cầm (Cập nhật 04/2024)

Cùng Phượt – Là một trong những bãi biển đẹp nhất dải đất Bắc Trung Bộ, nằm tại Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh bãi biển Thiên Cầm sở hữu vẻ đẹp tự nhiên, bãi cát trắng mịn, nước biển trong xanh màu ngọc bích. Đến với du lịch biển Thiên Cầm, du khách sẽ được hòa mình vào không khí trong lành, không gian phong cảnh sơn thủy hữu tình, khiến ai một lần đặt chân đến đây cũng nao lòng và nhớ mãi. Đến du lịch Thiên Cầm du khách không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của biển cả mà còn đắm mình trong làn nước biển mát dịu và nghe những âm thanh vỗ về tuyệt diệu của tiếng sóng biển du dương.

Bãi biển Thiên Cầm khá hoang sơ và đẹp (Ảnh – hoangduc__nguyen)

©Bản quyền hình ảnh: Trong bài viết có sử dụng một số hình ảnh được tìm kiếm thông qua công cụ Google Image của các tác giả hoangduc__nguyen, foodandtravel, Phạm Mai Hương, Quốc Trần Bảo, Phu Vu Duc, Nguyen Duc Trung, Hồng Phượng – Minh Sơn, Cuong NguyenKim, Lê Khánh Hà, lop Moitruong, Tin Somseepang, Trong Hung Nguyen, Trần văn Linh, Hoang Nguyen Dang, Hoang Tuan Anh, tieuhotien, lethanhnga1202, h_u_y_e_n2411, hoasflower, bupbexinh1224, nhi.poonie, Hoài Thương, bich.ngocmatsieuto nhằm minh họa rõ hơn cho nội dung bài viết. Bản quyền những hình ảnh này thuộc về tác giả. Chính sách của Cùng Phượt về bản quyền hình ảnh các bạn có thể theo dõi tại đây.

Giới thiệu về Thiên Cầm

Kéo lưới sớm trên bãi biển Thiên Cầm (Ảnh – foodandtravel)

Thiên Cầm là một khu du lịch mới được xây dựng từ năm 1993. Tổng thể khu du lịch rộng 200 ha, kéo dài từ ranh giới xã Cẩm Hoà (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đến bãi Cu Kỳ xã Kỳ Xuân, Kỳ Anh. Phía Đông Nam kéo dài đến xã Cẩm Nhượng.  Đối xứng với bên này Thiên Cầm sơn (núi Thiên Cầm) bên kia là núi Đầu Voi cùng với Cùm Nậy (núi lớn) và Cùm Con (núi bé) như hai mảnh của phím đàn trời đã án ngự dòng Kỳ La, buộc dòng suối trong văn vắt này uốn lượn rồi đổ êm ra biển.

Truyền thuyết kể lại rằng, thời Vua Hùng thứ 13, khi qua đây nghe tiếng sóng biển và thông reo, ngỡ tiên gẩy đàn, nhà Vua bèn lệnh cho quần thần leo lên núi thấy giống chiếc đàn tỳ bà liền hạ bút phê ba chữ “Thiên Cầm Sơn”. Từ đó núi đá có tên Thiên Cầm. Hàng năm, khi mùa xuân đến, các Vua Hùng đều lên đây thưởng ngoạn cảnh trời mây non nước, nghe thông reo và thưởng thức những đặc sản biển. Đồn rằng, vào lúc trời yên biển lặng, đứng trên đỉnh Thiên Cầm có thể nghe được một thứ âm thanh rất lạ như là thứ nhạc của trời. Có lẽ vì vậy mà Thiên Cầm theo nghĩa đen là Đàn trời.

Thiên Cầm còn là nơi chứng kiến sự sụp đổ của một triều đại. Năm 1407, khi giặc Minh tràn sang, quân nhà Hồ bị bại ở Bạch Hạc, lui về miền Thanh Hoá cố thủ nhưng vẫn không thành, tướng giặc Minh là Trương Phụ đã đuổi theo cha con Hồ Quí Ly vào núi Thiên Cầm. Con đường Bắt đỏ au màu đất chạy quanh co dưới những rừng thông dẫn đến chùa Thiên Cầm chính là dấu tích bị thương của Hồ Quý Ly khi ông bị thất thủ tại phòng tuyến Đa Bang và thành Vĩnh Lộc chạy trốn về đây rồi bị bắt:

“Kỳ La hải khẩu ngâm hồn đoạn
Cao vọng sơn đầu khách tử sầu”

Sau khi bắt được Hồ Quí Ly trong hang núi, tướng giặc Minh bắt dân ta đổi chữ “Cầm” là đàn thành chữ “Cầm” là bắt. Mãi đến khi đất nước sạch bóng quân Ngô, Thiên Cầm mới được trở lại đúng với nghĩa chiếc đàn trời.

Những biệt danh núi Thiên Cầm, Cao Vọng, con đường Bắt, hang đá Hồ Quý Ly đã tạo nên những nét khắc vừa hùng vĩ, vừa thanh tao bên bờ biển vốn rất hoang vu. Từ đầu thế kỷ 20, người Pháp đã xây dựng ở Thiên Cầm một khu nghỉ mát, nhưng do chiến tranh, các công trình ấy đã bị phá hủy. Ngày nay, vùng biển nguyên sơ ấy đã được Hà Tĩnh quy hoạch thành khu du lịch biển. Bắt đầu từ Thiên Cầm, khu du lịch vươn ra phía Bắc 8km và chạy dài vào Nam hơn 3km. Thiên Cầm ngày nay là vùng du lịch đầy tiềm năng, hấp dẫn.

Thiên Cầm có tới 3 bãi tắm, mỗi nơi một vẻ, chiều dài tổng cộng gần chục cây số. Từ đỉnh núi nhìn xuống bãi tắm trông như một đường cong gợi cảm với bãi cát trắng phau, mịn màng. Nước biển Thiên Cầm về mùa hè xanh màu ngọc bích. Bờ biển thoai thoải, ra tới chừng trăm thước mà không hề có lồi lõm, sau một hồi thoả thuê tắm mình trong làn nước biển, bạn có thể thả mình trên những phiến đá ngắm mây trôi bồng bềnh. Đá ở đây đủ hình thù xếp chồng lên nhau tha hồ theo trí tưởng tượng của con người.

Những bãi tắm, nhà nghỉ, khách sạn cao tầng, những con đường nhánh khiến Thiên Cầm có những sức quyến rũ mới giữa một vùng thiên nhiên với một bên là rừng núi tĩnh lặng, một bên là tiếng sóng biển dập dồn. Ở đó điều đầu tiên bạn sẽ cảm nhận được là vị mặn mòi của những làn gió biển luôn hướng về phía núi và những ngọn gió mát lạnh từ rừng núi nguyên sinh bay tràn ra biển rộng.

Nên du lịch Thiên Cầm vào mùa nào?

Chỉ có mùa hè là thời điểm thích hợp nhất để du lịch Thiên Cầm (Ảnh – Phạm Mai Hương)

Là vùng đất cuối cùng trên mảnh đất chữ S vẫn chịu tác động của nền khí hậu miền Bắc nên Thiên Cầm và Hà Tĩnh vẫn có một mùa đông rất lạnh, thời điểm này không thể đi tắm biển được nên du khách chỉ có thể đến với Thiên Cầm vào mỗi mùa hè. Khoảng từ tháng 4-6 là thời điểm tương đối thích hợp, tháng 7-8 trời vẫn nóng nhưng sẽ có nguy cơ gặp bão có thể ảnh hưởng tới vùng biển Thiên Cầm nhiều hơn. Nếu định đi du lịch Thiên Cầm vào dịp này, các bạn cần chú ý theo dõi thời tiết để đảm bảo an toàn.

Hướng dẫn đi tới Thiên Cầm

Đường bộ

Từ Hà Nội, nếu sử dụng xe cá nhân các bạn cần vượt qua chặng đường khoảng 400km để có thể vào đến trung tâm Hà Tĩnh, với tốc độ trung bình khoảng 40km/h và nếu có thể đi liên tục cũng mất khoảng 10 tiếng mới có thể vào đến nơi. Từ đây còn khoảng 30km nữa sẽ đến bãi biển Thiên Cầm.

Nếu sử dụng các tuyến xe khách giường nằm, xe khách chất lượng cao từ Hà Nội các bạn có thể bắt xe tại Bến xe Nước Ngầm. Các tuyến xe chất lượng cao đi Thiên Cầm sẽ xuất phát tại đây, đưa các bạn tới gần khu nghỉ mát này. Nếu không, các bạn có thể đi xe đến Tp Hà Tĩnh rồi đi tiếp xe buýt số 16 để tới được bãi biển Thiên Cầm.

Nếu muốn thêm sự lựa chọn, các bạn có thể đi các tuyến xe đi Quảng Bình, xe đi Huế hay xe đi Đà Nẵng, sử dụng những tuyến xe này và xuống xe tại Thị trấn Cẩm Xuyên trên QL1A, từ ngoài thị trấn khoảng hơn 10km nữa là đến Thiên Cầm, các bạn có thể đi tiếp bằng taxi hoặc xe ôm.

Đường sắt

Ga Yên Trung nằm ở Đức Thọ, Hà Tĩnh (Ảnh – Quốc Trần Bảo)

Tổng chiều dài tuyến đường sắt Bắc Nam qua Hà Tĩnh là 70km, toàn tuyến có 8 ga hành khách trong đó ga chính Yên Trung và ga Hương Phố đều cách bãi biển Thiên Cầm khoảng 70km. Có lẽ phương án đường sắt đến Thiên Cầm không hợp lý lắm bởi sẽ phải sử dụng thêm phương tiện trung chuyển với quãng đường tương đối dài.

Tuy nhiên, nếu vẫn muốn quan tâm tới phương án này, từ ga Hà Nội hàng ngày có các chuyến tàu SE11 đi từ Hà Nội lúc 8h và đến Yên Trung lúc 14h30, SE5 đi từ Hà Nội lúc 9hvà đến Yên Trung lúc 15h30 là các chuyến tàu khá phù hợp nếu lựa chọn để du lịch Hà Tĩnh bằng tàu hỏa.

Xem thêm bài viết: Hướng dẫn mua vé tàu hỏa trực tuyến (Cập nhật 4/2024)

Đường hàng không

Hà Tĩnh hiện tại không có sân bay, nếu từ Sài Gòn muốn đến Hà Tĩnh bằng đường hàng không, các bạn có thể lựa chọn một trong hai sân bay của 2 tỉnh hàng xóm là sân bay Vinh (các trung tâm Hà Tĩnh khoảng 50km) hay sân bay Đồng Hới (cách thị xã Kỳ Anh, giáp ranh Quảng Bình khoảng gần 100km).

Tùy từng chặng sẽ do từng hãng hàng không khai thác, nhưng nói chung cả 3 hãng hàng không đang hoạt động tại Việt Nam đều có đường bay Sài Gòn – Vinh với giá rẻ nhất khoảng 4000k++ cho chặng bay khứ hồi. Nếu bay đến Quảng Bình, các chuyến bay của Vietnam Airlines, Jetstar và Vietjet sẽ đưa các bạn tới Đồng Hới sau khoảng 1h30 phút bay.

Lưu trú khi du lịch Thiên Cầm

Tuy chưa nhiều nhưng số lượng khách sạn ở Thiên Cầm cũng khá đủ để phục vụ du khách (Ảnh – Phu Vu Duc)

Hiện nay Thiên Cầm có hệ thống 20 khách sạn, nhà nghỉ và gần 1000 phòng, trong đó có 1 khách sạn 3 sao, 3 khách sạn 2 sao, 5 khách sạn 1 sao, số lượng phòng có thể đáp ứng được lượng khách đến với khu du lịch vào mỗi dịp hè. Tuy nhiên, vào những dịp lễ tết hay nắng nóng cao điểm, số lượng phòng này cũng không đủ do du khách đổ về đây quá đông, các khách sạn nhà nghỉ luôn ở trong tình trạng quá tải.

Xem thêm bài viết: Khách sạn chất lượng tốt ở Thiên Cầm, Hà Tĩnh (Cập nhật 4/2024)

Chơi gì khi du lịch Thiên Cầm?

Bãi biển Thiên Cầm

Bãi biển Thiên Cầm (Ảnh – Nguyen Duc Trung)

Bãi biển Thiên Cầm như hình cánh cung hay giống cây đàn cầm, có tới 3 bãi tắm, bãi chính dài 3 km đẹp, bãi khác dài khoảng 10 km, bãi cát trắng thoai thoải phẳng ít lồi lõm, nước biển xanh trong vắt màu ngọc bích, có thể nhìn xuống tận đáy, bờ biển thoai thoải, có thể tắm ở xa bờ hơn 100 m, nước biển có độ mặn rất cao.

Hòn Bớc

Đảo Bớc với bãi đá kỳ thú, tuyệt đẹp để bạn tung tăng dạo chơi giữa biển trời mênh mông (Ảnh – Hồng Phượng – Minh Sơn)

Những du khách hiếu kỳ, ưa mạo hiểm có thể đi thuyền ra đảo Bớc với bãi đá kỳ thú, tuyệt đẹp để bạn tung tăng dạo chơi giữa biển trời mênh mông này, cát và đá vươn ra biển nhẹ nhàng, thoai thoải, du khách có thể đắm chìm trong làn nước xanh mát.

Núi Thiên Cầm

Bãi biển Thiên Cầm nhìn từ núi Thiên Cầm (Ảnh – Cuong NguyenKim)

Núi không cao, lại nằm kề biển tạo thành một nơi sơn thủy hữu tình. Cách chân núi một trảng cát là chùa Yên Lạc xây dựng từ thế kỷ 13, một di tích đã được nhà nước xếp hạng, nơi có bộ tranh “Thập điện Diên Vương” nổi tiếng

Chùa Cầm Sơn

Chùa Cấm Sơn (Ảnh – Lê Khánh Hà)

Chùa Cầm Sơn tọa lạc trên đỉnh núi. Chùa có lối kiến trúc đơn giản, bao gồm 01 nhà Tổ, khu nhà Tăng và gian thờ chúng sinh; hiện nay còn lưu giữ được nhiều hiện vật có ý nghĩa lịch sử. Năm 2010, với sự công đức các nhà hảo tâm và đông đảo bà con Phật tử nhà chùa đã tổ chức đúc chuông đồng với trọng lượng gần 1 tấn. Con đường từ chân núi lên đến Chùa là chuỗi bậc thang 405 bậc được xây và lát đá chạy vòng theo sườn núi, thuận tiện cho việc đi lại hành hương của khách thập phương.

Chùa Yên Lạc

Chùa Yên Lạc thuộc xóm Chùa, xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên. Chùa hướng về phía tây nam, sát tỉnh lộ 14, phía đông bắc là biển cả. Chùa Yên Lạc sau một số lần trùng tu tôn tạo đến nay về cơ bản vẫn giữ được nguyên trạng một số công trình kiến trúc cổ. Tam quan, Hạ điện, Trung và Thượng điện được bố trí thẳng hàng theo một trục chính, nền cao dần về phía sau. chính giữa là mặt nguyệt lồng ba chữ “Yên Lạc Tự”, gian phải treo một chuông đồng nặng trên 80 kg, gần đỉnh chuông đúc 4 chữ nổi ” Yên Lạc tự chung” có niên hiệu Cảnh Thịnh.

Bốn pho tượng phỗng ở tư thế quỳ hướng về Phật tổ A Di Đà được chạm khắc theo đặc điểm nghệ thuật Chàm. Có hình Thích Ca lúc sơ sinh, 9 con rồng kết vào nhau tạo thành vòng bảo vệ và phun nước tắm tượng A Di Đà toạ trên đài sen. Di tích chùa Yên Lạc mang đậm đặc điểm kiến trúc nghệ thuật thời Hậu Lê.

Khu du lịch Đồng Nôi

Khu du lịch Đồng Nôi (Ảnh – lop Moitruong)

Được xây dựng trên diện tích hơn 40 ha đất cát (diện tích sau khai thác khoáng sản), Khu du lịch sinh thái Đồng Nôi – Thiên Cầm của Mitraco Hà Tĩnh nằm cách biển Thiên Cầm 1km, cách QL1A hơn 10km.

Đến với Đồng Nôi, du khách có thểể trượt cát, đi xe mô tô địa hình, tham quan khu vực đầm sen, câu cá, đi cầu tre, cầu khỉ, chụp ảnh với cánh đồng hoa hướng dương và trực tiếp trồng rau, thưởng thức trái cây tại vườn chợ nông sản, ẩm thực…

Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ

Trong vùng lõi khu bảo tồn Kẻ Gỗ (Ảnh – Tin Somseepang)

Khu Bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ tọa lạc trên 3 huyện Cẩm Xuyên, Kỳ Anh và Hương Khê, nằm cách trung tâm Hà Tĩnh khoảng 20km về phía Tây Nam, có diện tích tự nhiên 35,159ha.

Khu Bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ được bao phủ bởi rừng kín với nhiều loại cây cho gỗ có tên trong sách đỏ Việt Nam như lim xanh, sến mật, gụ, lau, vàng tâm, trầm hương, song mật, lát hoa, côm bạch mã, chùm bao Trung Bộ, bời lời vàng, v.v… Đây là khu hệ thực vật phong phú đặc trưng cho nhiều luồng thực vật của khu hệ thực vật bản địa Bắc Việt Nam – Nam Trung Hoa, luồng thực vật Indonesia – Malaysia và luồng thực vật Hymalaya. Đến nay, tại khu Bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ đã phát hiện được 364 loài động vật có xương sống thuộc 99 họ. Gà lôi lam đuôi trắng, một trong ba loài gà lôi đặc hữu của Việt Nam đang trong tình trạng bị đe doạ tuyệt chủng, và nhiều loại quý hiếm khác. Trong 47 loài thú ở đây có 18 loài (chiếm 21%) được ghi vào sách đỏ Việt Nam và thế giới.

Hồ Kẻ Gỗ

Hồ Kẻ Gỗ (Ảnh – Trong Hung Nguyen)

Hồ Kẻ Gỗ là một hồ chưa nước nhân tạo tại xã Cẩm Mỹ, Cẩm Xuyên, hiện là hồ nước lớn nhất tỉnh Hà Tĩnh. Hồ Kẻ Gỗ là một công trình nhân tạo, nó mang tính chất phục vụ thuỷ lợi là chính, hồ được xây dựng trên lưu vực của sông Rào Cái. Hồ được khởi công xây dựng từ năm 1976 tới năm 1980 thì hoàn thành các hạng mục chính, đến năm 1983 thì toàn bộ hệ thống được đưa vào sử dụng. Hồ nằm giữa các sườn đồi, núi thuộc huyện Cẩm Xuyên tỉnh Hà Tĩnh, cách thành phố Vinh 70 km về phía nam. Hồ dài gần 30 km, gồm 1 đập chính và 10 đập phụ với sức chứa hơn 300 triệu m³ nước.

Đền thờ Lê Duẩn

Đền thờ Lê Duần (Ảnh – Trong Hung Nguyen)

Đền thờ cố Tổng Bí thư Lê Duẩn nằm trên đảo Cụ Duẩn trong lòng hồ Kẻ Gỗ thuộc xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên được xây dựng vào năm 2011 nhân dịp kỷ niệm 180 năm ngày thành lập tỉnh Hà Tĩnh.

Chợ cá Cửa Nhượng

Chợ cá Cồn Gò, Cửa Nhượng (Ảnh – Hồng Phượng & Minh Sơn)

Dọc theo bờ biển xuôi về phía Nam, du khách sẽ đến với chợ cá Cửa Nhượng có tuổi đời trên một trăm năm với nghề làm mắm. Ghé thăm nơi này, du khách sẽ được trải nghiệm cuộc sống của những người dân làng chài, hòa mình vào buổi chợ sớm khi chuyến tàu thuyền đầy cá.

Khu lưu niệm Hà Huy Tập

Khu tưởng niệm Hà Huy Tập tại xã Cẩm Hưng, Cẩm Xuyên (Ảnh – Trần văn Linh)

Khu di tích cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập ở thôn 8, xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên. Với những gì mà nơi đây đang lưu giữ về tuổi thơ cùng những chặng đường hoạt động của đồng chí Hà Huy Tập.

Hải đăng Cửa Nhượng

Hải đăng Cửa Nhượng (Ảnh – Hoang Nguyen Dang)

Hải đăng Cửa Nhượng cao 15 m, nằm ở bờ Nam cửa Nhượng thuộc xã Cẩm Lĩnh, Cẩm Xuyên. Từ biển Thiên Cầm đi qua cầu Cửa Nhượng, quẹo trái dọc bờ biển là có thể đến hải đăng Cửa Nhượng. Phía dưới hải đăng nhiều bãi tắm của dân địa phương rất đẹp và vắng. Quang cảnh từ hải đăng nhìn ra biển vô cùng rộng lớn, đặc biệt khi chiều xuống, mặt trời lặn dần, bạn sẽ cảm nhận được sự bình yên tuyệt đối ở vùng đất Hà Tĩnh này.

Khu di tích Ngã 3 Đồng Lộc

Khu di tích Ngã Ba Đồng Lộc (Ảnh – Hoang Tuan Anh)

Đây là địa điểm du lịch tâm linh đặc biệt nổi tiếng khắp cả nước mà các bạn có thể ghé qua thăm sau khi rời biển Thiên Cầm và trên đường về lại Hà Nội. Ngã ba Đồng Lộc thuộc địa phận xã Đồng Lộc, Can Lộc nằm trên đường mòn Hồ Chí Minh xuyên qua dãy Trường Sơn, là nơi chứng kiến sự hy sinh anh dũng của 10 cô gái thanh niên xung phong Tiểu đội 4 thuộc Đại đội 552, Tổng đội TNXP 55 tỉnh Hà Tĩnh và hàng trăm người con ưu tú đang làm nhiệm vụ giữ vững mạch máu giao thông quan trọng trên hệ thống đường vận chuyển hàng hóa, vũ khí ra tiền tuyến.

Hiện nay, Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc đã được đầu tư xây dựng quy mô với nhiều công trình kiến trúc đặc biệt như: Khu mộ 10 nữ TNXP, Nhà bia tưởng niệm liệt sỹ TNXP, Nhà bia tưởng niệm liệt sỹ ngành giao thông toàn quốc, Sa bàn chiến đấu, Nhà bảo tàng, Tháp chuông Đồng Lộc, cụm tượng 10 nữ TNXP và nhiều công trình văn hóa tâm linh khác.

Các món ăn ngon ở Thiên Cầm

Bánh mướt cuốn ram

Ram bánh mướt, đặc sản Hà Tĩnh phải thử (Ảnh – tieuhotien)

Bánh mướt cuốn ram (bánh cuốn nem rán) là món ăn sáng dân dã, đặc trưng của người dân Hà Tĩnh. Bánh mướt được làm từ gạo tẻ ngâm trong nước nhiều giờ sau đó đem nghiền thành bột rồi tráng mỏng bằng tay. Nguyên liệu làm món ram cầu kỳ hơn, gồm thịt, miến, mộc nhĩ, hạt tiêu, hành… cuộn chặt trong lá bánh mỏng rồi rán giòn. Ram nóng quấn trong lá bánh mướt mỏng tang ăn kèm với rau sống chấm nước mắm tỏi ớt mang đến hương vị khó cưỡng.

Bánh bèo Hà Tĩnh

Bánh bèo Hà Tĩnh (Ảnh – lethanhnga1202)

Khác với bánh bèo của Huế, bánh bèo Hà Tĩnh được làm từ bột lọc (bột sắn), nhân bánh làm từ tôm non bóc vỏ hoặc thịt nạc trộn với mộc nhĩ được xào lên. Bánh bèo Hà Tĩnh thưởng thức theo hai cách: bánh bèo chan nước mắn pha, rắc thêm hành khô và bánh bèo nước từ nước xương hầm được chan sin sít vào với bánh. Chính nguyên liệu và cách thưởng thức đã tạo nên hương vị riêng cho món bánh bèo Hà Tĩnh. Đây là món quà ăn vặt được nhiều người ưu thích đặc biệt là giới trẻ.

Cháo canh Hà Tĩnh

Cháo canh Hà Tĩnh, tô đầy đủ bao gồm cả giò (Ảnh – h_u_y_e_n2411)

Cháo canh có mặt ở nhiều nơi, nhưng ở Hà Tĩnh lại có vị riêng biệt. Sợi cháo canh làm bằng bột mì nên có độ dẻo và dai. Sau khi nhào bột, sợi được xắt ra dài chừng 2/3 thân đũa ăn cơm, sợi bánh có màu trắng đục. Nước dùng của cháo canh vừa có vị ngọt của xương hầm, vị thơm của hành tím, vị béo của tôm, vài lát giò lụa, thêm nhúm hành lá, ngò tàu, vài lát ớt thôi, bạn đã thấy món ăn hấp dẫn vô cùng.

Bề bề rang muối

Bề bề rang muối biển Thiên Cầm (Ảnh – hoasflower)

Bề bề còn gọi là tôm mũ ni, tôm tít hay con vỗ. Nhìn giống tôm nhưng nhiều chân hơn. Thịt bề bề chắc, dai và ngọt. Đây là một loại hải sản biển rất được ưa thích, từ bề bề người ta có thể chế biến bằng nhiều cách trong đó rang muối là một trong những món ngon nhất.

Cá thu nướng

Cá thu nướng trên biển Thiên Cầm (Ảnh – bupbexinh1224)

Về biển Thiên Cầm, Hà Tĩnh, một trong những món ăn mà nhiều du khách yêu thích là cá thu nướng, đặc biệt là món đầu, đuôi cá thu. Đây là một món ăn độc đáo, thơm ngon, bổ dưỡng, ăn một lần rồi nhớ mãi.

Mực ống

Các thuyền câu mực thường trở về vào mỗi sáng nên nếu muốn ăn mực tươi sống, các bạn hãy lựa chọn thời điểm để mua nhé (Ảnh – nhi.poonie)

Biển Thiên Cầm với đặc trưng là các thuyền thúng và thuyền nhỏ đánh bắt đi về trong ngày. Mực được câu vào buổi đêm hôm trước và trở về vào bưới sáng hôm sau. Mực mới được cấu 4-5h lên vẫn còn tươi rói, da sáng óng ánh, thân mực vẫn còn chuyển động. Mực tươi ngon nhất là hấp lên để giữ được nguyên vị ngọt, mềm và thơm của mực.

Nước mắm Nhượng

Nước mắm được sản xuất đảm bảo chất lượng, hương vị đặc trưng của Cẩm Nhượng (Ảnh – Hoài Thương)

Đây là một dòng nước mắm gia truyền nổi tiếng với hương vị đặc trưng riêng của vùng biển Cẩm Nhượng, Hà Tĩnh. Nước mắm được làm thủ công, không có chất tạo màu nên nhìn rất đẹp, sánh màu cánh gián. Nếu đóng kín, nước mắm sẽ gần như không bị ngả màu hay hư hỏng.

Chim Cu Kỳ

Từ Nam chí Bắc, chỉ có vùng biển Kỳ Xuân mới có loài chim cu quý hiếm này nên người ta mới gọi là cu kỳ. Cu kỳ là loài đặc sản, to hơn con chim bồ câu, thịt thơm, ngon và bổ gấp nhiều lần cu gáy. Người ốm chỉ cần ăn một chén cháu cu kỳ sẽ nhanh chóng lấy lại sức. Dân du lịch đến Kỳ Xuân một lần rồi muốn đến mãi vì không thể quên được vị thơm lừng và ngọt lịm, béo mà không ngậy của miếng thịt cu kỳ nướng than”.

Lịch trình du lịch Thiên Cầm

Nếu chỉ du lịch Thiên Cầm không thì hơi chán, các bạn có thể kết hợp một vài bãi biển đẹp trên đường từ ngoài Bắc vào Hà Tĩnh như Sầm Sơn hay Cửa Lò để đi cùng (Ảnh – bich.ngocmatsieuto)

Hà Nội – Thiên Cầm – Sầm Sơn – Hà Nội

Ngày 1: Hà Nội – Ngã Ba Đồng Lộc – Thiên Cầm

Xuất phát từ Hà Nội lúc 6h sáng, khoảng 12h trưa đến Tp Vinh. Dừng nghỉ ngơi thưởng thức một số món ăn ngon Nghệ An.

Từ Tp Vinh di chuyển đi Ngã 3 Đồng Lộc, đây là nơi yên nghỉ của các nữ TNXP trong thời kỳ chiến tranh. Sau khi dâng hương tại đây, tiếp tục đi về Thiên Cầm nhận phòng. Nhớ kiểm tra kỹ khách sạn ở Thiên Cầm để đảm bảo còn phòng.

Chiều tắm biển Thiên Cầm

Ngày 2: Thiên Cầm – Hồ Kẻ Gỗ

Sáng dậy tắm biển, ngắm bình minh ở Thiên Cầm sau đó xuất phát đi làng cá Cửa Nhượng (rất gần Thiên Cầm)

Từ làng cá, các bạn tiếp tục đi Khu bảo tồn thiên nhiên và hồ Kẻ Gỗ, đây là địa danh rất nổi tiếng trong một số bài hát về Hà Tĩnh.

Chiều về lại Thiên Cầm tắm biển, thưởng thức hải sản.

Ngày 3: Thiên Cầm – Hương Tích – Sầm Sơn

Từ bãi biển Thiên Cầm, đi ngược về phía Thị xã Hồng Lĩnh đến núi Hồng Lĩnh lên tham quan chùa Hương Tích. Khu vực này khá rộng nên thời gian di chuyển để khám phá tốn khá nhiều thời gian.

Kết thúc khám phá Hương Tích, tiếp tục di chuyển về qua Nghệ An, Thanh Hóa, dừng chân nghỉ ngơi ở Sầm Sơn.

Ngày 4: Sầm Sơn – Hà Nội

Sáng dậy tranh thủ khám phá và tắm biển Sầm Sơn, thưởng thức hải sản Sầm Sơncác món ăn ngon ở Thanh Hóa.

Trưa trả phòng, di chuyển về lại Hà Nội kết thúc chuyến đi.

Tìm trên Google:

  • kinh nghiệm du lịch Thiên Cầm 2024
  • du lịch Thiên Cầm tháng 4
  • tháng 4 Thiên Cầm có gì đẹp
  • review Thiên Cầm
  • hướng dẫn đi Thiên Cầm tự túc
  • ăn gì ở Thiên Cầm
  • phượt Thiên Cầm bằng xe máy
  • Thiên Cầm ở đâu
  • đường đi tới Thiên Cầm
  • chơi gì ở Thiên Cầm
  • đi Thiên Cầm mùa nào đẹp
  • địa điểm chụp ảnh đẹp Thiên Cầm
  • homestay giá rẻ Thiên Cầm

Bạn thấy bài viết này thế nào?

Hãy để lại đánh giá của bạn nhé

Đã có 38 bình chọn và điểm trung bình là 4.5

Chưa có đánh giá nào

Bạn đang xem bài viết về địa danh ở Hà Tĩnh

HÀ TĨNH

Vị trí Hà Tĩnh trên bản đồ Việt Nam

là một tỉnh của Việt Nam, nằm ở khu vực Bắc Trung Bộ. Trước đây, Hà Tĩnh cùng với Nghệ An là một miền đất có cùng tên chung là Hoan Châu (thời Bắc thuộc), Nghệ An châu (thời Lý, Trần), xứ Nghệ (năm 1490, đời vua Lê Thánh Tông), rồi trấn Nghệ An. Năm 1831, vua Minh Mạng chia trấn Nghệ An thành hai tỉnh: Nghệ An (bắc sông Lam) và Hà Tĩnh (nam sông Lam). Kinh tế tỉnh chủ yếu dựa vào nông, lâm, ngư nghiệp và thủ công nghiệp. Phần lớn diện tích đất canh tác là trồng lúa, còn lại chủ yếu là cây công nghiệp thương phẩm và hoa màu. Ngành trồng cây ăn quả đang được đầu tư, ngoài ra còn có trồng cây công nghiệp lâu năm chiếm tỉ trọng thấp. Diện tích rừng (đặc biệt là rừng tự nhiên) có diện tích lớn đang là động lực phát triển mạnh ngành lâm nghiệp.

Bạn có biết: Xứ Nghệ là tên chung của vùng Hoan Châu cũ  từ thời nhà Hậu Lê. Hai tỉnh này cùng chung một vùng văn hóa gọi là văn hóa Lam Hồng, có chung biểu tượng là núi Hồng – sông Lam.

  • Diện tích: 5.997,3 km²
  • Dân số: 1.242.700 người
  • Vùng: Bắc Trung Bộ
  • Phân chia hành chính: 1 thành phố, 2 thị xã, 10 huyện
  • Mã điện thoại: 239
  • Biển số xe: 38